Trong hùng vĩ của núi rừng, giữa mênh mang của hồ thủy điện, câu chuyện về Cọc Vài kỳ bí, sự tích hoa phặc phiền, những trùng trùng điệp điệp của 99 ngọn núi với truyền thuyết chim phượng hoàng về xây tổ,... mỗi câu chuyện được gắn với sự tích của dòng sông, con suối, của đất và con người nơi đây đã đưa chúng tôi về "miền cổ tích" Lâm Bình.
Ðược ví như Hạ Long giữa đại ngàn với Thượng Lâm nơi có 99 ngọn núi trùng điệp và truyền thuyết chim phượng hoàng về xây tổ; với dòng sông Gâm như chàng trai Tày mạnh mẽ hòa cùng sông Năng mềm mại như nàng thiếu nữ tuổi đôi mươi đã tạo nên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, mở ra cho Lâm Bình tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Anh Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) mở đầu câu chuyện về miền đất đã trở thành quê hương thứ hai của mình khi đưa chúng tôi qua những rừng nghiến cổ thụ, men theo những sườn đá lên hang Khuổi Pín kỳ bí.
Nằm lưng chừng ngọn núi đá vôi thuộc xã Khuôn Hà, hang Khuổi Pín cao 600 m so với mực nước biển. Từ đây, phóng tầm mắt ra khoảng không gian thoáng rộng của lòng hồ Tuyên Quang, dòng sông xưa, nay là mặt nước hồ thủy điện len lỏi, uốn lượn qua các dãy núi như một dải lụa giữa đại ngàn. Hang có sáu khoang chia làm hai nhánh cao khoảng 40 m, rộng khoảng 200 m, sâu khoảng 500 m. Trong hang, hơn 10 cột nhũ đá khổng lồ, sừng sững như dàn cột đỡ vòm hang. Càng vào trong, lòng hang càng rộng với những hàng nhũ trên trần rỏ xuống những giọt nước thánh thót đếm thời gian. Người dân ở đây vẫn truyền nhau, nếu ai được những hạt nước này rỏ trúng người sẽ gặp nhiều may mắn. Bởi vậy, nhiều người tìm đến đây ngoài việc chiêm ngưỡng cảnh đẹp, còn mong nhận được những điều tốt lành. Từ trên vách hang buông xuống hàng trăm dòng thạch nhũ trải rộng khắp không gian như bức phù điêu nguyên sơ với sự sắp đặt tài tình của tạo hóa.
Ðứng từ cửa hang Khuổi Pín còn được chiêm ngưỡng thung lũng Thượng Lâm núi non trùng điệp với 99 ngọn núi, nghe kể truyền thuyết chim phượng hoàng bay về tìm đất xây tổ. Chuyện kể rằng, vùng đất này là nơi giao hòa giữa trời và đất, địa khí phong thủy, hữu tình. Vào một ngày kia, người dân trong vùng chợt thấy một đàn phượng hoàng bay về, mỗi con đậu trên một ngọn núi. Nhưng chỉ có 99 ngọn núi để 99 con đậu, còn một con không có chỗ đậu liền vỗ cánh bay về hướng nam khiến cả đàn vỗ cánh bay theo. Mỗi ngọn núi một thế đứng khác nhau tạo thành quần thể núi đá sinh động bao quanh lòng chảo Thượng Lâm. Cái tên "Hạ Long giữa đại ngàn" ra đời từ đó.
Cũng ở xã Khuôn Hà còn có thác Nặm Me khởi nguồn từ những cánh rừng già trên đỉnh của vòng cung sông Gâm có độ cao hơn 1.600 m so với mực nước biển. Thác có 18 tầng với chiều dài hơn 3.000 m. Nhìn từ xa, dòng thác như một dải lụa trắng mềm mại nổi bật giữa xanh thẳm núi rừng. 18 tầng thác lớn, mạnh mẽ tung bọt trắng xóa quanh năm đổ ầm vang từ trên cao xuống, như tiếng khóc thương mẹ của chàng trai Tài Ngào hiếu thảo. Dưới mỗi chân tầng thác là một vực nước trong xanh, mát lạnh. Trên những thân cây cổ thụ hoặc trên vách đá dựng đứng như bức tường thành là những giò phong lan rừng tỏa hương, khoe sắc. Những dòng nước chảy tràn qua các phiến đá tròn, mịn khiến dòng nước tỏa rộng như chiếc váy xòe trắng muốt của thiếu nữ, lấp lánh trong ánh nắng vàng.